We will survive

Thị trường chứng khoán toàn cầu tháng 6 đã có biến động rất mạnh khi S&P500 của Mỹ giảm 8.4% và Stoxx 50 của Châu Âu giảm 5.5% trong khi thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng 6.7%. Chúng tôi đang thấy có một số điểm thay đổi đáng lưu ý với vĩ mô đang và sẽ tác động mạnh tới thị trường tài chính toàn cầu.

Ngày 10/6/2022, Mỹ ra số lạm phát tháng 5 tăng trở lại, lên mức 8.6%, đồng pha với xu hướng tăng trên toàn thế giới khiến kỳ vọng tạo đỉnh của lạm phát chưa thành hiện thực. Với tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất lịch sử, FED đã buộc phải thi hành thắt chặt nhanh nhất trong nhiều thập kỷ, bao gồm: nâng lãi suất liên tục và giảm bảng cân đối kế toán bắt đầu từ tháng 6/2022 và tốc độ sẽ nâng lên gấp đôi vào tháng 9/2022. Hệ quả của việc gia tăng thắt chặt của FED đã và đang tác động tới toàn bộ các yếu tố cơ bản của kinh tế và thị trường tài chính:

– Theo sau FED, NHTW Châu Âu cũng nâng lãi suất và dừng các gói hỗ trợ. Các NHTW nhiều nền kinh tế lớn (ngoại trừ Trung Quốc) cho dù đã hành động sớm, vẫn tiếp tục quyết liệt nâng lãi suất, đặc biệt ở các quốc gia tỷ lệ lạm phát đã vượt mục tiêu. Đây là giai đoạn thắt chặt chưa có tiền lệ, đảo ngược quá trình bơm tiền quy mô lớn nhất lịch sử ở quy mô toàn cầu suốt giai đoạn COVID.

– Trong một tháng vừa qua, tỷ giá và các lãi suất toàn cầu biến động mạnh. USD Index đã tăng lên mức đỉnh của 20 năm, phản ánh phần lớn các đồng tiền đều mất giá mạnh so với USD. Chênh lệch lãi suất giữa các quốc gia tăng rất mạnh, phản ánh làn gió ngược với dòng chảy vốn toàn cầu bắt đầu vào giai đoạn gia tốc. Ngoại trừ Trung Quốc, các NHTW trên thế giới đều gia tăng mức độ thận trọng trong chính sách tiền tệ. Với nhiều nền kinh tế yếu đặc trưng bởi thâm hụt thương mại và thâm hụt ngân sách, các NHTW đều sẽ ở thế tiến thoái lưỡng nan cân bằng giữa mức độ điều chỉnh lãi suất và bảo vệ tỷ giá để không gây đổ vỡ nền kinh tế và làm chậm lại dòng vốn chảy ra ngoài đến những nơi có lãi suất cao hơn.

– Lãnh đạo giới doanh nghiệp toàn cầu và người tiêu dùng đặc biệt bi quan về triển vọng kinh tế và bước vào giai đoạn phòng thủ cho đầu tư và chi tiêu.

– Điểm sáng hiện tại có thể là sự hồi phục mạnh và diện rộng của thị trường tài chính Trung Quốc. Mặc dù các dữ liệu vĩ mô Trung Quốc chưa có nhiều biến chuyển mạnh, nhưng sự phản ứng tích cực của thị trường chứng khoán có thể báo trước những tác động tích cực từ các biện pháp của NHTW và chính phủ Trung Quốc.

– Một điểm tích cực quan trọng khác là lạm phát rất có thể đang tạo đỉnh và sẽ giảm. Có nhiều chỉ báo liên quan tới giá cước vận tải, giá dầu và rất nhiều cả hàng hóa cơ bản đã giảm 20-30% từ đỉnh trong 3 tháng trở lại đây. Dưới áp lực của lãi suất tăng và nhu cầu giảm nhanh chóng, giá cả của nhiều loại hàng tiêu dùng cũng bắt đầu giảm.

Nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính trong hơn 13 năm qua ổn định nhờ nền lãi suất thấp và những gói kích thích của FED và các NHTW. Nếu như ở giai đoạn khủng hoảng, FED cho phép lạm phát vượt mục tiêu để ưu tiên giảm được thất nghiệp thì ở thời điểm này, FED cần làm được cả hai việc: kiềm chế lạm phát trong khi không gây đổ vỡ khiến thất nghiệp tăng mạnh. Các mô hình dự báo suy thoái của New York FED bắt đầu cho thấy khả năng suy thoái trong 12 tháng đang tăng lên. Chúng tôi chú ý theo dõi những mắt xích yếu trong nền kinh tế toàn cầu là các quốc gia có nợ USD cao, mất cân đối về cán cân thanh toán và thâm hụt ngân sách, đang chịu lạm phát cao và áp lực tỷ giá. Một nhóm rủi ro cao khác là những doanh nghiệp có dư nợ cao, dòng tiền kinh doanh yếu và nhạy cảm với lãi suất, đang rating ở mức “Junk” sẽ khó tiếp cận các nguồn vốn vay hơn trước. High Yield Spread sẽ là chỉ số rất đáng chú ý trong giai đoạn này.

Cuộc họp của FOMC cho thấy FED sẽ không thể sớm đảo ngược quá trình thắt chặt này trừ phi xảy ra những suy giảm kinh tế đủ lớn hoặc lạm phát giảm nhanh về mức mục tiêu. Ngoại trừ Trung Quốc, thị trường tài chính toàn cầu vẫn đang đồng pha, phản ứng tiêu cực với cả hai vấn đề: nỗi sợ suy thoái và thanh khoản tụt giảm.

Đối với kinh tế Việt Nam, chúng tôi có một số điểm lưu ý:

– Kinh tế Việt Nam vẫn đang hồi phục mạnh. Tăng trưởng GDP Quý 2 đạt 7.2% trong khi lạm phát được kiểm soát tốt. Những yếu tố như doanh số bán lẻ, chỉ số sản xuất công nghiệp, thặng dư ngân sách và đầu tư toàn xã hội đang hồi phục, tạo nền tảng cho tăng trưởng GDP quý 3 có thể đạt 9% so với nền thấp cùng kỳ năm trước. Việt Nam Đồng nằm trong số ít đồng tiền ổn định nhất trên thế giới. Nhìn về một chu kỳ dài, chúng ta đang trong chu kỳ hồi phục trong khi Mỹ và châu Âu đang tiến dần về cuối chu kỳ, giống như Trung Quốc cách đây khoảng một năm.

– Những sự kiện chấn chỉnh thị trường trái phiếu và thận trọng trong việc cấp room tín dụng khiến chúng tôi tin rằng SBV không còn đặt ưu tiên vấn đề kích thích tăng trưởng so với việc lành mạnh hoá dòng chảy vốn và kiểm soát tỷ giá. Điều này dễ hiểu trong bối cảnh tăng trưởng nền kinh tế vẫn đang khả quan trong khi chỉ số lạm phát đang tiến về vùng 4% và nhu cầu ngoại tệ tăng mạnh. Việc này đồng nghĩa với thanh khoản của nền kinh tế chung và trên thị trường chứng khoán chưa thể dồi dào khi room tín dụng tiếp tục được kiểm soát chặt.

– Cũng giống như nhiều NHTW khác, SBV sẽ cần cân đối mức độ thay đổi của lãi suất và tỷ giá, vừa để hài hoà dòng chảy vốn vừa không tạo ra kỳ vọng cho giới đầu cơ. Điểm thuận lợi là kinh tế Việt Nam vẫn đang trong pha phục hồi, duy trì xuất siêu, nợ nước ngoài giảm, và lạm phát thấp. Tuy nhiên, áp lực lên tỷ giá và lãi suất đang lớn dần khi lạm phát trong nước tăng lên và FED tiếp tục quá trình thắt chặt những tháng tới. Kinh tế Mỹ và thế giới đang tăng trưởng chậm lại và có thể đi vào suy thoái trong những quý tới. Khi đó Việt Nam với độ mở rất lớn về kinh tế và cả dòng vốn đầu tư cũng sẽ chịu những ảnh hưởng tiêu cực.

– Ở góc độ tích cực, chúng tôi tin rằng lạm phát đang ở vùng đỉnh tại nhiều quốc gia và sẽ giảm dần về cuối năm. Lạm phát tại Việt Nam sẽ có độ trễ bởi nhu cầu trong nước đang tăng và nền lãi suất thấp. Nhưng nhìn xa hơn, giá cả nhiều hàng hóa đặc biệt là xăng dầu giảm mạnh sẽ giảm bớt áp lực lạm phát lên Việt Nam vào cuối năm nay và 2023. Mối lo lớn nhất là lạm phát sẽ dần chuyển qua mối lo về suy giảm tăng trưởng vào cuối năm, dẫn tới sự chuyển pha về chính sách tiền tệ.

Thị trường tài chính toàn cầu và Việt Nam:

Dù vẫn trong chu kỳ phục hồi với cân đối vĩ mô nội tại ổn định, áp lực ngày càng lớn từ bên ngoài đang thu hẹp không gian và thời gian điều hành chủ động của SBV và chính phủ Việt Nam. Lãi suất tăng nhanh trên toàn cầu do lạm phát cao và triển vọng tăng trưởng suy giảm đang là hai làn gió ngược tác động tiêu cực cùng lúc lên kinh tế và TTCK toàn cầu.

Điều khó ước đoán lúc này là quá trình sụt giảm tổng cầu sẽ ở mức độ nào, có dẫn tới suy thoái, hay tệ hơn hơn là đổ vỡ và khủng hoảng. Trong quá khứ, giai đoạn FED nâng lãi suất nhanh chóng thường khiến những khu vực yếu kém đầu bộc lộ và tạo ra những tin xấu tác động lên thị trường toàn cầu. TTCK Việt Nam với lịch sử tương quan rất chặt với TTCK Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng của những biến số vĩ mô lớn đang thay đổi. Đây là giai đoạn TTCK chịu cùng một lúc cả hai tác động trọng yếu tác động tiêu cực: PE de-rating và triển vọng Earning bị hạ xuống.

Trong quá khứ, những lần TTCK toàn cầu đi vào bear market gắn với suy thoái kinh tế, downtrend sẽ kết thúc sau khi FED nới lỏng trở lại. Dòng tiền sẽ được kích hoạt khiến TTCK tạo đáy trước các chỉ báo kinh tế 3-6 tháng. Việt Nam, với những lợi thế mang tính cấu trúc về ổn định vĩ mô và triển vọng tăng trưởng dài hạn, vẫn sẽ là một lựa chọn sáng giá khi những bất ổn và ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài đi qua.

Lúc này, chúng tôi sẽ thận trọng quan sát kỹ chính sách của FED và các tác động của nó.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.