Wake me up when September ends

Thị trường chứng khoán toàn cầu tháng 9 đã có sự điều chỉnh mạnh đồng pha: Mỹ S&P 500 giảm 9.34%, Châu Âu Stoxx 50: -5.66%, Trung Quốc: -5.55%, Hàn Quốc: -12.81%. Những nền kinh tế đang trong pha hồi phục có mức giảm nhẹ hơn: Nifty 50 (Ấn Độ): -3.74%, JKSE (Indo): -1.92%. Sự sụt giảm diện rộng nói trên phản ánh nhận định của SGI về cả hai tác động tiêu cực đang xảy ra đồng thời là: “thắt chặt dòng tiền vào tài sản rủi ro và triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp điều chỉnh giảm gây áp lực lên định giá và giá cổ phiếu. Đây sẽ là bài thử thách lớn nhất cho thị trường chứng khoán toàn cầu trong những tháng còn lại của năm 2022. Sự sụt giảm, nếu xảy ra trong giai đoạn này, có thể là nhịp giảm đồng pha cuối cùng trước khi tạo phân hoá”. Tiếp nối các báo cáo trước, quan điểm cập nhật của chúng tôi như sau:

– Việc thắt chặt tiền tệ toàn cầu đang đi vào giai đoạn căng thẳng nhất. FED sẽ tiếp tục nâng mạnh lãi suất (dự kiến +0.75%) vào tháng 11/2022 và sau đó chậm lại (dự kiến +0.5%) vào tháng 12. Những dòng vốn USD rẻ chảy ra toàn cầu trong 14 năm qua sẽ tiếp tục phải chịu áp lực rút đi khi cả lãi suất và USD tăng. Tuy nhiên, khác với thời điểm tháng 05/2022 khi lạm phát tăng mạnh khiến FED bất ngờ gia tăng tốc độ nâng lãi suất, thị trường tài chính hiện đã dự phóng trước cho các lần nâng lãi suất tiếp theo và tác động lên lãi suất và tỷ giá. Điều này thể hiện một phần qua USD Index và lãi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ đã tăng mạnh và nguội khi các NHTW lớn đã bắt đầu ra tay can thiệp để ổn định thị trường ngoại hối.

– Kịch bản xấu hơn sẽ xảy ra khi thắt chặt tiền tệ kéo dài có thể khiến thị trường tài chính và kinh tế thực bộc lộ nhiều yếu kém và đổ vỡ bất ngờ với thêm những trường hợp như Credit Suisse. Đó sẽ là giai đoạn rủi ro tăng mạnh cho tới khi FED và các NHTW can thiệp để tránh đổ vỡ diện rộng.

– Xác suất suy thoái của kinh tế Mỹ cuối năm 2023 đang tăng cao. Tuy nhiên, các chỉ báo về doanh nghiệp phá sản, trả nợ chậm của người tiêu dùng, nợ xấu ngân hàng,… vẫn ở vùng thấp và lành mạnh hơn các chu kỳ trước. Vì thế, kinh tế Mỹ có thể sẽ trải qua một đợt suy thoái thông thường thay vì khủng hoảng nghiêm trọng. Một số chỉ báo như giá nhà, hay ISM Manufacturing, nhu cầu tuyển dụng… đang báo hiệu lạm phát tại Mỹ sẽ hạ nhiệt nhanh dần các tháng tới khiến các điều kiện tài chính bớt căng thẳng vào cuối năm nay và có thể lỏng dần từ Q1 2023 khi FED dừng tăng lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng.

– Tâm lý bi quan vì lạm phát cao kéo dài, lãi suất sẽ tiếp tục tăng, tỷ giá tiếp tục căng thẳng, đồng thuận về khả năng suy thoái gây ảnh hưởng lớn tới lợi nhuận doanh nghiệp, đang bao trùm lên các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân khắp toàn cầu. Theo dữ liệu lịch sử, mức độ bi quan cực điểm của nhà đầu tư như hiện nay là một chỉ báo thường xuất hiện ở các vùng đáy của TTCK.

Đối với thị trường Việt Nam, chúng tôi có một số điểm lưu ý:

Trong báo cáo tháng trước, SGI đã nêu bật “Thời điểm tháng 09 và 10/2022 có thể là bài thử mạnh với thị trường chứng khoán Việt Nam khi đối mặt với rủi ro đến từ thị trường tài chính toàn cầu khi FED tăng gấp 2 quy mô hút tiền, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh việc room tín dụng sẽ được thực hiện thận trọng, lãi suất tiếp tục tăng, và áp lực chốt lời của nhiều nhóm cổ phiếu đã tăng mạnh”. TTCK Việt Nam đã có mức giảm rất mạnh 11.6% trong tháng 9. Chúng tôi bổ sung một số điểm đáng chú ý tháng này:

– Lãi suất trái phiếu Việt Nam đang đi song hành cùng lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ, và đã tăng mạnh sau khi SBV tăng lãi suất điều hành. Trái phiếu 5 năm của Việt Nam vượt 4.5%, tương ứng giai đoạn 2017-2018. Lãi suất liên ngân hàng cũng vượt lên vùng cao chỉ thấy ở giai đoạn tín dụng thắt chặt và lạm phát cao 2011 – 2012. Tuy nhiên, SGI nhận thấy áp lực lên lãi suất và tỷ giá có thể đã gần với mức cực đại. Tỷ giá, sau hai lần điều chỉnh, đã giảm chênh lệch giữa USD tự do vs. trong hệ thống ngân hàng về mức thông thường, phản ánh căng thẳng thanh khoản đang giảm. Lãi suất trái phiếu trong nước cũng sẽ dần ổn định trong bối cảnh USD và lãi suất trái phiếu Mỹ có thể đang tạo đỉnh.

– Tuy vậy, trong tháng 3 tháng tới, chúng tôi tiếp tục thấy áp lực rút tiền khỏi thị trường do nhu cầu thanh khoản và mặt bằng lãi suất tăng. Khi doanh nghiệp và cá nhân đang gặp khó khăn về tiếp cận vốn, áp lực nợ tới hạn sẽ buộc người vay chấp nhận mức lãi suất cao bất thường hoặc phải bán tài sản thanh khoản như chứng khoán bất kể định giá. Áp lực về trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn lớn vào tháng 12/2022 cũng là một rủi ro trong bối cảnh Nghị định 65 đã hạn chế rất nhiều khả năng đảo nợ. Môi trường thiếu thanh khoản kéo dài sẽ là áp lực đào thải các tổ chức kinh doanh kém hiệu quả và phụ thuộc vay nợ để tồn tại.

– Khi các lãi suất đồng pha tăng lên mặt bằng mới, định giá của thị trường chứng khoán tháng qua đã chịu sức ép giảm nhanh về mức P/E dưới 12 lần, tương ứng mức của 2012 và cuối 2015, những giai đoạn lãi suất cao hơn hiện nay và vĩ mô của Việt Nam gặp nhiều bất ổn lớn. Với VN-Index 1100 điểm hiện tại, định giá cho 2022 đã về gần đáy COVID, phản ánh rất nhiều rủi ro và áp lực thị trường đang gặp phải.

– Dự báo và mua được đúng đáy thị trường và cổ phiếu luôn là việc rất khó, nhưng tăng dần tỷ trọng theo mức độ hấp dẫn của định giá và triển vọng của doanh nghiệp là điều dễ làm và cần làm để mang lại hiệu quả đầu tư tốt và bền vững trong dài hạn. Nhiều cổ phiếu đã giảm mạnh từ đỉnh về gần vùng định giá rẻ lịch sử, phản ánh rủi ro lãi suất tăng và triển vọng kinh doanh suy giảm. Dưới góc nhìn và triết lý đầu tư của chúng tôi, rủi ro của thị trường đang giảm đi đáng kể khi nhiều tin xấu dần bộc lộ và được phản ánh vào giá. Tháng 10 và quý 4 hứa hẹn sẽ còn nhiều tin xấu khiến thị trường biến động mạnh, thử thách tâm lý và niềm tin của nhà đầu tư. Nhưng đó cũng là lúc thị trường chào mời chúng ta những cơ hội với giá tốt nhất.

– Ở mức định giá rất rẻ hiện tại, những đợt tụt giảm của VN-Index dưới mức 1100 điểm, dù vì lý do gì, đều sẽ mang lại cơ hội rất hấp dẫn cho một chu kỳ đầu tư mới. Lãi suất tiền gửi ngân hàng đã tăng lên mặt bằng 7-8%/năm, nhưng đà giảm của thị trường hiện nay đang mang lại nhiều hơn các cơ hội với mức sinh lời trên 20%/năm cho kỳ đầu tư 1-3 năm tới. Trong tháng 10 và Q4 này, chúng ta thận trọng với khả năng còn có các diễn biến xấu bất ngờ, nhưng sẵn sàng để có thể tham lam khi thị trường sợ hãi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.