The Sign

Thị trường chứng khoán toàn cầu tháng 3 có những diễn biến trái chiều: S&P 500 của Mỹ tăng 3.51%, Châu Âu Stoxx 50 tăng 1.81%, Kospi (Hàn Quốc) tăng 2.65%, Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 0.21%, Chúng tôi đã đề cập trong báo cáo tháng 3, những sự kiện đổ vỡ bất ngờ có thể là điều kiện để các Chính phủ và NHTW kết thúc chính sách thắt chặt tiền tệ. Và thị trường tài chính thế giới tháng qua chứng kiến sự sụp đổ bất ngờ của một số ngân hàng tại Mỹ và Châu Âu.

– Ngân hàng địa phương SVB (top 16) của Mỹ và tên tuổi lớn từng hoạt động năng động tại Việt Nam là Credit Swisse đồng loạt rơi vào khủng hoảng, bị mua lại bắt buộc trong tháng 3. Những rạn nứt lớn của hệ thống tài chính cũng như nền kinh tế toàn cầu đã bắt đầu bộc lộ dưới sức ép của thặt chặt tiền tệ. Rút kinh nghiệm từ các chu kỳ khủng hoảng trước, các NHTW đã nhanh chóng thiết lập các cơ chế hỗ trợ đặc biệt, bơm lượng tiền rất lớn vào hệ thống ngân hàng tránh mọi ảnh hưởng tiêu cực lây lan. FED đã bơm ra hơn 400 tỷ USD, NHTW Thuỵ Sỹ bơm 100 tỷ Franc hỗ trợ UBS thâu tóm Credid Swisse. Kết quả là tâm lý thị trường đã tạm thời ổn định trở lại.

– Tuy nhiên, lãi suất huy động tăng và điều kiện cho vay khắt khe hơn bắt đầu khiến tín dụng co hẹp tại Mỹ. Các chỉ báo sớm như ISM, PMI cho thấy lợi nhuận doanh nghiệp sẽ giảm trong 12 tháng tới. Thống kê số việc làm tuyển dụng và đăng ký thất nghiệp lần đầu của Mỹ cũng bắt đầu xấu đi. Thất nghiệp tăng trong các tháng tới sẽ là chỉ báo quan trọng nhất của việc kinh tế Mỹ và toàn cầu đi vào suy thoái.

– Những điểm sáng của thế giới hiện tại là kinh tế Trung Quốc đang phục hồi tốt trong khi NHTW vẫn hỗ trợ thanh khoản cho nền kinh tế. Sự tích cực bắt đầu lan toả tới những hàng hoá lâu bền như ô tô, bất động sản. Kinh tế EU cũng bất ngờ phục hồi tốt ở cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ trong Q1 khi lo ngại ảnh hưởng của chiến tranh và giá năng lượng cao dần đi qua. Tác động tiêu cực từ lãi suất tăng mạnh và chính sách thắt chặt tiền tệ của ECB sẽ cần thêm thời gian để ngấm vào kinh tế và thị trường tài chính.

– TTCK toàn cầu vẫn đang ở trong trạng thái lưỡng lự giữa sự sự lạc quan do lạm phát giảm giúp lãi suất sớm ổn định và sự bi quan của suy giảm tăng trưởng và suy thoái tới gần hơn. Thị trường đang kỳ vọng FED sẽ tăng lãi suất 0.25% một lần cuối cùng và sau đó sẽ giảm lãi suất vào cuối năm khi kinh tế suy yếu rõ nét. Lịch sử cho thấy, TTCK ban đầu thường phản ứng tích cực với thông tin dừng tăng hoặc hạ lãi suất, nhưng sau đó, vòng xoáy vỡ nợ, thất nghiệp xảy ra, tài sản rủi ro như cổ phiếu bị bán tháo và dòng tiền dồn qua trú ẩn ở các tài sản an toàn như trái phiếu và vàng khi suy thoái chính thức xảy ra. Ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy, suy thoái kinh tế Mỹ có thể tới trong nửa cuối 2023.

Đối với thị trường Việt Nam, chúng tôi có một số điểm lưu ý:

Tăng trưởng kinh tế đang suy giảm nhanh chóng: GDP quý 1/2023 chỉ tăng 3.32% cùng nhiều chỉ báo vĩ mô suy yếu là kết quả của thắt chặt tín dụng và lãi suất cao 6 tháng vừa qua, cộng hưởng với tác động từ suy giảm kinh tế thế giới. Tốc độ tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm tiếp tục thấp đang là chỉ báo sớm của khả năng tăng trưởng kinh tế tiếp tục yếu trong 6 tháng tới.

Chính phủ và NHNN hành động quyết liệt và hợp lý:

– Để hỗ trợ tăng trưởng, khơi thông dòng vốn, tháo gỡ khó khăn pháp lý đang kìm hãm thị trường bất động sản và trái phiếu, hàng loạt chính sách và hành động của Chính phủ và NHNN gần đây đang là tâm điểm mang lại nhiều hy vọng:

    • Quyết định số 313/QĐ-NHNN: NHNN đã hạ các lãi suất điều hành 0,5%-1%, chính thức đảo chiều chính sách tiền tệ từ thắt chặt sang nới lỏng hơn.
    • Dự thảo sửa đổi thông tư 16 của NHNN có tính phối hợp với tinh thần của Nghị định 08, theo đó cho phép TCTD mua TPDN có mục đích bổ sung vốn lưu động, TCTD cũng được mua lại TPDN đã bán ra trước đó. Cùng với đó, NHNN cũng xây dựng các tiêu chí chặt chẽ hơn về tỷ lệ Nợ/VCSH, NPL, mục đích sử dụng vốn,… nhằm kiểm soát an toàn đối với hoạt động mua TPDN.
    • NHNN đã nghiên cứu, đề xuất về chính sách giãn, hoãn nợ hỗ trợ đối với một số ngành nghề, lĩnh vực đang gặp khó khăn, sẽ ban hành thông tư hướng dẫn khi Chính phủ có nghị quyết về chính sách này.
    • Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/04/2023 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt đề án “đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.
    • Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất đối với các đối tượng quy định tại Điều 3 Nghị định số 34/2022/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022, nhưng loại trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

– USD index giảm, cùng với xuất siêu 4 tỷ USD trong quý 1 và dòng vốn FDI, FII tích cực đã hỗ trợ NHNN có thêm dư địa để điều hành, chủ động hạ lãi suất trước FED và các NHTW khác. Giá USD tự do hiện đang giao dịch thấp hơn USD trong hệ thống ngân hàng cho thấy nguồn USD đang khá dư dả và ổn định dù giá vàng thế giới tăng mạnh. NHNN có thể sẽ có những đợt mua ròng USD mới trong tháng 4. Tuy vậy, lạm phát lõi của Việt Nam vẫn neo cao quanh 5% và giá điện, giá xăng có khả năng tăng trở lại sẽ là nhân tố khiến NHNN thận trọng hơn trong các chính sách nới lỏng tiếp theo.

Các chính sách điều hành đảo chiều mạnh mẽ qua hỗ trợ tăng trưởng là điều kiện cần để kinh tế và TTCK tạo đáy và phục hồi:

– Cầu tín dụng dù đang yếu, nhưng khi xu hướng lãi suất tiếp tục hạ, người đi vay và cả ngân hàng sẽ dần lạc quan hơn, giúp kinh tế và các kênh đầu tư có cơ sở tạo đáy và dần hồi phục. Thị trường tài chính thường phản ứng nhanh hơn thể hiện qua thanh khoản sẽ tăng dần và nỗi sợ đổ vỡ giảm bớt, mặt bằng định giá được nâng lên. Nhưng để dòng tiền ở lại và gia tăng trong thị trường, các doanh nghiệp cần thực sự tận dụng được cơ hội phục hồi và tăng trưởng trở lại. Vì vậy, giai đoạn tới, tâm điểm của thị trường tài chính có thể sẽ xoay quanh câu chuyện các doanh nghiệp tận dụng cơ hội chính sách ra sao.

– Mùa ĐHCĐ đang tới, kế hoạch kinh doanh 2023 và KQKD quý 1 đang hé mở. Quan sát của chúng tôi cho thấy phần lớn các DN đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 tăng trưởng chậm lại so với 2022. Tuy nhiên, các con số kế hoạch vẫn khá lạc quan (đặc biệt là nhóm Ngân hàng) với cùng kịch bản được đồng thuận là kinh tế chung và nhu cầu sẽ phục hồi vào nửa sau 2023. Với quyết tâm hỗ trợ từ Chính phủ và NHNN, kỳ vọng này là có cơ sở. Tuy vậy, với nhu cầu trong nước suy yếu, tỷ lệ vay nợ cao, tín dụng khó tăng trưởng, và khả năng kinh tế thế giới đi vào suy thoái trong nửa sau 2023, chúng tôi thấy cần thận trọng với kỳ vọng này.

Ẩn số suy thoái kinh tế thế giới và rủi ro từ dòng tiền ngoại:

– TTCK Việt Nam dù chưa được ghi nhận là một thị trường mới nổi (EM) nhưng cũng đã hội nhập sâu rộng với dòng tiền đầu tư nước ngoài. Trong đó, rất nhiều quỹ mở và sản phẩm tài chính (như Pnotes) giúp NĐT toàn cầu dễ dàng mua và bán CK Việt Nam. Bởi vậy, mỗi khi dòng tiền toàn cầu vào kênh cổ phiếu có biến động lớn, TTCK toàn cầu và cả Việt Nam đều có biến động rất mạnh.

– Trong bốn tháng 10/2022-1/2023, dòng tiền ngoại đã ồ ạt đổ vào Việt Nam mua ròng tận dụng nhịp giảm mạnh của VN-Index, và sau đó là dòng tiền tiếp diễn mua ròng theo theme thị trường mới nổi hưởng lợi nhờ USD index giảm và Trung Quốc mở cửa phục hồi. Tuy vậy, dù có đợt review tăng tỷ trọng Việt Nam của VNM ETF và đợt huy động mới từ Fubon ETF trong tháng 3, NĐT ngoại đã bắt đầu bán ròng từ giữa tháng 2.

– Khi chính sách trong nước đã quay lại hỗ trợ, chúng tôi thấy rủi ro lớn nhất với TTCK Việt Nam sẽ tới từ áp lực bán ròng của NĐT ngoại. Trong kịch bản kinh tế Mỹ và toàn cầu bước vào suy thoái trong nửa cuối 2023, kỳ vọng phục hồi kinh tế Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực và tác động trực tiếp nhất lên TTCK là dòng tiền phân bổ vào kênh cổ phiếu trên toàn cầu sẽ suy giảm, qua đó dòng vốn FII có thể sẽ rút ròng khỏi Việt Nam qua các ETF, Quỹ mở, và Pnotes,…

Nhìn tổng thể, bức tranh triển vọng kinh tế và TTCK Việt Nam đã bắt đầu có những gam màu sáng nhờ sự quyết liệt hỗ trợ từ Chính phủ và NHNN. Rủi ro đổ vỡ giảm bớt đồng nghĩa với cơ hội sẽ xuất hiện nhiều hơn. Tuy vậy, trong giai đoạn kinh tế thế giới nhiều bất ổn và có thể tiến gần tới suy thoái, sự thận trọng vẫn là rất cần thiết. Suy thoái kinh tế xảy ra giúp thanh lọc doanh nghiệp yếu kém và giảm tỷ lệ vay nợ là điều kiện đủ cho kinh tế và TTCK tạo đáy lớn và mở ra nhiều cơ hội lớn cho những ai có tình hình tài chính lành mạnh và còn nguồn lực sẵn sàng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.