Thị trường chứng khoán toàn cầu tháng 10 giảm đồng pha với: S&P 500 của Mỹ giảm 2.2%, Châu Âu Stoxx 50 giảm 2.71%, Kospi (Hàn Quốc) giảm 7.59%, Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 2.95% trong khi VN-Index giảm mạnh nhất với mức -10.91%. Chúng tôi cập nhật một số tiêu điểm đáng lưu ý như sau:
– Các điều kiện tài chính tiếp tục thắt chặt trong tháng 10 do FED và ECB tiếp tục hút tiền về, đồng thời nhu cầu phát hành trái phiếu của Chính phủ Mỹ cao đã tạo nên pha điều chỉnh của TTCK Mỹ bất chấp tăng trưởng GDP Q3 của Mỹ ở mức 4.9%, mạnh nhất kể từ Q3 2021.
– Tuy nhiên, TTCK Mỹ và toàn cầu đang ổn đỉnh lại nhờ hai động lực chính: (1) Thất nghiệp của Mỹ đã tăng lên 3.9% trong tháng 10 đang làm tăng khả năng FED sẽ cắt giảm lãi suất sớm hơn (vào tháng 06/2024 thay vì tháng 10/2024) đồng thời khiến USD Index và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đều tạo đỉnh và giảm; (2) earnings quý 3 các doanh nghiệp Mỹ phản ánh sự phục hồi với dự báo tăng 3.7% (Q2 giảm 3.8%) trong khi định giá P/E fw về vùng trung bình dài hạn.
– Diễn biến gần đây của USD Index và lợi suất trái phiếu Mỹ sẽ thuận lợi cho không chỉ TTCK Mỹ mà với cả các thị trường tài chính toàn cầu khi chênh lệch lãi suất của các thị trường mới nổi và trái phiếu chính phủ Mỹ không còn nới rộng thêm. Trong ngắn hạn, dòng vốn đầu tư có thể sẽ tích cực hơn với các thị trường mới nổi và cận biên như Việt Nam sau giai đoạn rút ròng mạnh nhiều tháng qua.
– TTCK Trung Quốc cũng được một cú hích khi các tổ chức đầu tư Nhà nước trực tiếp mua cổ phiếu niêm yết cân đối lại dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài bán hơn 25 tỷ USD trong ba tháng vừa qua.
Đối với thị trường Việt Nam, chúng tôi có một số điểm lưu ý:
– Đồng pha cùng USD Index và lợi tức trái phiếu Mỹ, tỷ giá VND/USD đã ổn định cùng với lãi suất trái phiếu 10 năm hạ nhiệt đã giải toả tâm lý lo ngại về rủi ro tỷ giá và lãi suất tiếp tục tăng. Với những cân đối vĩ mô lớn vững vàng, chúng tôi cho rằng thị trường tiền tệ sẽ ổn định hơn trong thời gian tới khi các áp lực bên ngoài đã dịu bớt.
– Khi nhà đầu tư nước ngoài giảm áp lực bán ròng, dòng tiền sẽ quay lại tìm kiếm cơ hội trên TTCK nhờ tâm lý nhà đầu tư được giải toả lo lắng về lãi suất và tỷ giá, định giá đã bước vào vùng rẻ so với lịch sử, và kỳ vọng phục hồi kinh tế hiện thực hơn khi lãi suất thấp sẽ dần tác động tích cực lên tổng cầu.
– Tổng hợp kết quả kinh doanh Q3 2023 từ FiinTrade cho thấy lợi nhuận đã giảm chậm lại, tạo ra cơ sở cho sự phân hóa và hồi phục dần từ Q4 và 2024. Nhóm ngân hàng bắt đầu phân hoá mạnh ở tốc độ giảm của biên lợi nhuận cũng như đà tăng của nợ xấu và trích lập dự phòng. Những ngân hàng quản trị rủi ro tốt và cẩn trọng hơn với tăng trưởng tín dụng như VCB và ACB đã tới gần vùng đỉnh nợ xấu, tạo điều kiện cho sự phục hồi sớm hơn ngành. Trong khi đó, nhiều ngân hàng khác đặc biệt là nhóm tập trung cho vay BĐS và tiêu dùng vẫn cho thấy chất lượng tài sản đi xuống, lãi và phí phải thu tăng. Nợ xấu cũng như trích lập dự phòng nhóm này sẽ tiếp tục tăng và ăn mòn lợi nhuận trong 2024.
– Nhìn về TTCK, rủi ro vẫn có thể đến từ những nhóm doanh nghiệp duy trì tỷ lệ vay nợ cao và dòng tiền yếu. Nhóm doanh nghiệp này tiếp tục khó tiếp cận vốn vay rẻ để trả nợ và phục hồi nên nguồn tiền khả dĩ nhất vẫn là bán cổ phiếu. Áp lực lên TTCK vẫn còn khi tỷ lệ margin/vốn hoá vẫn neo ở vùng cao làm hạn chế sức mua của nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, tỷ lệ margin của nhà đầu tư cá nhân đã hạ đáng kể so với đỉnh tháng 8 sau các đợt giảm mạnh vừa qua.
– Nhịp điều chỉnh mạnh trong tháng 10 vừa qua đã đưa nhiều cổ phiếu về lại vùng giá thấp của 2023 cũng như vùng định giá thấp của lịch sử. Chúng tôi đã thấy rủi ro chung của thị trường giảm bớt và cơ hội đầu tư tốt xuất hiện nhiều hơn. Cùng với vùng đáy của khó khăn, một nền định giá thấp sẽ là sự đảm bảo tốt cho hiệu quả đầu tư trong tương lai.