Thị trường chứng khoán toàn cầu tháng 5 tích cực với: S&P 500 của Mỹ tăng 1.46%, Châu Âu Stoxx 50 tăng 1.03%, Kospi (Hàn Quốc) tăng 1%, và Shanghai Composite của Trung Quốc tăng 1.54% trong khi VN-Index tăng 2.48%. Chúng tôi xin cập nhật tới nhà đầu tư một số tiêu điểm đáng lưu ý như sau:
– Quốc hội Mỹ thông qua nâng trần nợ công và sẽ kích hoạt một lượng lớn trái phiếu chính phủ Mỹ được phát hành trong thời gian tới, ước tính sẽ khoảng hơn 400 tỷ USD trong tháng 06/2023 và khoảng hơn 1,000 tỷ USD trong quý 3. Đây sẽ là giai đoạn phát hành mạnh nhất do phần lớn việc phát hành cần được thực hiện trước 30/9 – thời điểm kết thúc của năm tài chính của chính phủ Mỹ. TTCK Mỹ, thị trường tiền ảo thường đi rất sát với thanh khoản hệ thống ngân hàng.
– Điểm tích cực trong thời gian tới sẽ là lạm phát Mỹ tiếp tục hạ nhiệt khi cấu phần thuê nhà bắt đầu vào pha giảm nhanh trong khi việc làm mở mới vẫn tốt. Thất nghiệp dù tăng nhẹ nhưng vẫn trong vùng rất thấp. Điều này sẽ giúp FED không phải tiếp tục tăng lãi suất trong phần còn lại của năm, góp phần tích cực cho những thị trường emerging markets vốn rất nhạy với lãi suất, USD Index và nguy cơ suy thoái của Mỹ.
– Sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc mang dáng vẻ cấu trúc khi suy giảm đến từ nhiều ngành. Mặc dù thặng dư thương mại đạt kỷ lục nhờ đẩy mạnh xuất khẩu, Ngân hàng TW bơm tiền mạnh mẽ, các ngân hàng lớn dự kiến sẽ tiếp tục giảm lãi suất, nhưng cầu tiêu dùng và đầu tư Trung Quốc suy yếu nhanh do thu nhập người dân giảm sút sau COVID. Điều này đặt áp lực lớn dần khi nền kinh tế Mỹ yếu đi. Các nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 05/2023 rút ròng rất mạnh thị trường TQ và HongKong do đồng Yuan mất giá cũng như rủi ro địa chính trị tăng lên.
– Cuối cùng, lạm phát của châu Âu được dự báo sẽ hạ nhanh trong những tháng tới sẽ không còn tạo ra áp lực cho Ngân hàng TW Châu Âu phải tăng mạnh lãi suất. Như vậy, thế giới sẽ bước vào một giai đoạn các lãi suất chủ chốt của thế giới không tiếp tục tăng, và do đó, giảm bớt áp lực cho các ngân hàng TW tại các quốc gia mới nổi chủ động tuỳ theo nguồn lực của mình.
Đối với thị trường Việt Nam, chúng tôi có một số điểm lưu ý:
– Nền kinh tế vĩ mô vẫn đang trong giai đoạn yếu khi tín dụng tăng trưởng yếu, PMI dưới 50 tại 6 trong 7 tháng gần nhất – chuỗi suy yếu mạnh nhất kể từ 2012. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, lãi suất sẽ có xu hướng giảm và trong điều kiện nền kinh tế có dòng tiền inflow mạnh từ xuất khẩu, thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ được cải thiện, kéo hạ lợi tức trái phiếu xuống, và qua đó rerate up cho thị trường chứng khoán. Chênh lệch tín dụng và M2 phản ánh sự dồi dào của thanh khoản hệ thống tài chính, có quan hệ chặt chẽ với lợi tức trái phiếu và lãi suất. Chúng tôi cho rằng mức độ cải thiện thanh khoản của thị trường chứng khoán sẽ duy trì ở mặt bằng mới và có thể tiếp tục cải thiện do tiền nhàn rỗi phân bổ vào thị trường khi lãi suất tiền gửi đã hạ trung bình 2%-3% và có thể hạ thêm do tín dụng yếu.
– Nỗ lực của chính phủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục trong giai đoạn tới khi tăng trưởng kinh tế vẫn đang thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu của quốc hội. Điều này sẽ liên tục củng cố sự tự tin dòng tiền mới đổ vào thị trường chứng khoán và do đó sẽ giúp thanh khoản thị trường dâng theo.
– Trở lực cho đà tăng của chứng khoán sẽ gồm:
-
- Thị trường tài chính thế giới có thể bước vào giai đoạn điều chỉnh.
- Sau khi được nới trần nợ công, việc phát hành ồ ạt của chính phủ Mỹ sẽ hút dòng vốn ngắn hạn của thế giới về Mỹ do lãi suất ngắn hạn Mỹ đang cao. Việc này cũng sẽ tạo sức ép cho tỷ giá của các thị trường mới nổi. Những nước xuất siêu mạnh như Việt Nam có thể áp lực sẽ giảm bớt.
- Margin của các công ty chứng khoán bắt đầu tăng nhanh hơn index tuy chưa tới mức cảnh báo. Tỷ lệ margin có thể sẽ tăng khi dòng tiền mới tự tin về xu hướng lãi suất giảm trong khi các dòng tiền bán ra rút khỏi thị trường như nhà đầu tư nước ngoài, nội bộ và phát hành mới. Tháng 5, NĐTNN bán ròng hơn 3,100 tỷ giá trị cổ phiếu và và hơn 1,400 tỷ giá trị trái phiếu.