Thị trường chứng khoán toàn cầu tháng 4 tích cực với: S&P 500 của Mỹ tăng 1.46%, Châu Âu Stoxx 50 tăng 1.03%, Kospi (Hàn Quốc) tăng 1%, và Shanghai Composite của Trung Quốc tăng 1.54% trong khi VN-Index giảm 1.46%. Chúng tôi xin cập nhật tới nhà đầu tư một số tiêu điểm đáng lưu ý như sau:
– FED tiếp tục nâng 0.25% lãi suất trong kỳ họp đầu tháng 5 lên 5% – 5.25%, theo sau là ECB nâng lên mức 3.25% – cao nhất kể từ 2008. Trong tuyên bố kèm theo, FED khẳng định ưu tiên mục tiêu hạ lạm phát về 2% bởi các hoạt động kinh tế dù sẽ chậm lại do tiêu chuẩn cho vay nâng cao, nhưng việc làm mới vẫn dồi dào và thất nghiệp đang ở mức 3.4%, thấp nhất lịch sử. Sau khi bơm khẩn cấp 390 tỷ USD cho hệ thống ngân hàng thông qua các khoản vay ngắn hạn, FED đã hút về 230 tỷ USD. Bởi vậy, dù FED có dừng tăng lãi suất ở mức hiện tại thì thanh khoản vẫn sẽ tiếp tục thu hẹp dưới hiệu ứng của QT.
– Tâm điểm thời gian tới có thể quay trở lại với lợi tức trái phiếu Mỹ và USD Index khi số dư tiền của Bộ Tài chính Mỹ đã giảm về mức rất thấp 188 tỷ USD, chỉ đủ chi tiêu cho tới tháng 6/2023. Điều này buộc Quốc hội Mỹ một lần nữa sẽ phải thông qua nâng trần nợ công (78 lần trong 60 năm qua). Tuy vậy, trước khi đạt được thỏa thuận này, thị trường sẽ tiềm ẩn bất ổn và biến động mạnh.
– Tốc độ tăng trưởng M2 của các nền kinh tế lớn tiếp tục giảm, ngoại trừ Trung Quốc, khiến tín dụng cho các nền kinh tế thông qua hệ thống ngân hàng cũng chậm lại. Lãi suất cao tác động trước tiên đến cầu hàng hoá lâu bền như ô tô, bất động sản… trước khi tác động tới việc làm và chi tiêu trong thời gian tới.
– Kinh tế Trung Quốc hồi phục chậm mặc dù PoBC đã chủ động tăng cung tiền. Thị trường bất động sản thứ cấp tại Trung Quốc đã sôi động hơn, nhưng giao dịch sơ cấp chưa cải thiện khiến tác động lan toả tới nhiều ngành khác như sắt thép, vật liệu… không rõ rệt. Do cầu nội địa yếu, doanh nghiệp Trung Quốc đã đẩy mạnh xuất khẩu tạo ra thặng dư thương mại kỷ lục. Trong khi đó, du lịch quốc tế và nhập khẩu hàng hoá của Trung Quốc không gia tăng tương ứng khiến thế giới ít được hưởng lợi khi mở cửa như kỳ vọng. Nhiều tín hiệu gần đây đang cho thấy, kinh tế Trung Quốc cũng sẽ suy yếu nếu Mỹ đi vào suy thoái.
– Sau mùa báo cáo quý 1, TTCK thế giới sẽ đi vào vùng trũng thông tin trong khi định giá chung vẫn đang neo cao với dự báo lợi nhuận phục hồi từ quý 4. Trong khi đó, các khu vực yếu kém là ngân hàng địa phương và các doanh nghiệp nhỏ vay nợ nhiều đã thể hiện trước tác động tiêu cực của lãi suất cao. Thị trường chung sẽ dễ phản ứng với tin xấu nếu suy thoái xảy ra khiến lợi nhuận thực tế kém hơn kỳ vọng.
Đối với thị trường Việt Nam, chúng tôi có một số điểm lưu ý:
– Kể từ đầu năm, mặt bằng lãi suất đã giảm đáng kể trong đó lãi suất cho vay giảm 0.5%-1% cùng với nhiều chính sách mới nhằm hỗ trợ phục hồi và chống đổ vỡ domino với trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản. Tuy vậy, nhu cầu tín dụng 4 tháng đầu năm vẫn rất yếu (tăng 2.75%) do khu vực sản xuất và tiêu dùng đều tăng trưởng chậm với chỉ số PMI 5/6 tháng gần nhất suy giảm dưới mốc 50. Hệ quả là tín dụng đang chỉ tăng mạnh trở lại ở chính các lĩnh vực nhạy rủi ro là đầu tư bất động sản và chứng khoán.
– Cùng chiều với những khó khăn của kinh tế, số liệu quý 1 của ngành ngân hàng cho thấy tỷ lệ nợ xấu và đặc biệt là nợ nghi ngờ (nhóm 2) đang tăng rất mạnh. Đồng thời tỷ lệ LDR của các ngân hàng hầu hết vẫn ở tỷ lệ cao thể hiện dư địa thanh khoản không dồi dào. Chất lượng thanh khoản và chất lượng tài sản sẽ tiếp tục là rào cản tăng trưởng của ngành ngân hàng nói riêng và ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế nói chung trong những quý tới.
– Thống kê của FiinPro cho thấy kế hoạch lợi nhuận năm 2023 của toàn thị trường có thể giảm 3%, trong đó khối phi tài chính giảm 20.6%, kéo PE Forward của nhóm phi tài chính lên 19.7 ở cuối năm 2023 – mức định giá không rẻ. Trong khi đó, lợi nhuận nhóm ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng 13.6% trong năm nay sẽ trở nên vô cùng thách thức.
– Về khía cạnh dòng tiền, trong tháng 04, Nhà đầu tư nước ngoài đã bán 2,800 tỷ giá trị cổ phiếu và hơn 1,700 tỷ giá trị trái phiếu tại Việt Nam. Điều này là khá ngạc nhiên trong bối cảnh định giá Việt Nam không đắt, USD Index giảm, và thị trường tài chính thế giới ổn định sau nỗ lực của các NHTW. Một số thị trường được cho là hưởng lợi từ đà phục hồi của Trung Quốc như Hồng Kông, Thái Lan, Đài Loan, cũng bị chốt lời và giảm trong tháng 4 có thể là một lý do. Mặt khác, việc Việt Nam đi ngược thế giới trong điều hành lãi suất gần đây có thể tạo nên những áp lực về tỷ giá khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài trở nên thận trọng hơn. Nếu điều này là đúng, việc SBV tiếp tục hạ lãi suất điều hành ngược chiều với FED và ECB một lần nữa có thể tạo hiệu ứng tiêu cực về dòng vốn nước ngoài thời gian tới.
– Tính tới tháng 3/2023, đã có 46 doanh nghiệp công bố chậm trả lãi và gốc trái phiếu với ước tính trị giá khoảng 120 nghìn tỷ đồng. Bắt đầu từ quý 2, lượng trái phiếu đáo hạn sẽ gia tăng mạnh so với quý 1, tổng cộng khoảng 153 nghìn tỷ trong hai quý tới. Trong đó, quý 2 sẽ có gần 28 nghìn tỷ đáo hạn chỉ riêng của nhóm doanh nghiệp bất động sản. Cho dù Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành cơ chế để các doanh nghiệp thoả thuận với nhà đầu tư, nhưng nếu không có dòng tiền chi trả thực, sức ép lên các thị trường tài sản vẫn sẽ tiếp tục do nhà đầu tư phải thay đổi phương án tài chính của mình: nếu không phải bán bớt các tài sản thanh khoản thì cũng không có nguồn tiền để đầu tư.
– Trong một năm qua, số dư tiền mặt trên tài khoản nhà đầu tư đã giảm 40% (từ hơn 100 nghìn tỷ về còn khoảng 58 nghìn tỷ) và khiến giao dịch suy giảm. Hệ quả là tỷ lệ margin/vốn hoá thị trường đã giảm từ 3,4% về mức 2.78%, vẫn ở mức hơi cao so với thông lệ quốc tế, và tỷ lệ margin/giá trị giao dịch bình quân tiệm cận mức cao của lịch sử. Tuy vậy, số dư tiền mặt/giá trị giao dịch trung bình cũng ở mức cao, sẽ là một sức mua đối ứng trong trường hợp có giải chấp. Vì vậy, chúng tôi cho rằng giải chấp nếu có sẽ xảy ra ở cổ phiếu bị đầu cơ quá mức hoặc nhóm cổ phiếu có cổ đông đang chịu áp lực giải chấp tài sản để trả nợ quá hạn.
– Trước mắt, những tháng tới sẽ là thử thách đặc biệt khó khăn với doanh nghiệp, TTCK, và nhà đầu tư khi áp lực trái phiếu đáo hạn đến cao trào, và thời gian ân hạn gốc & lãi của nhiều dự án bất động sản kết thúc. Mặt khác, rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ và toàn cầu trong nửa cuối năm tiềm ẩn tác động tiêu cực hơn lên kinh tế thực cũng như co hẹp nhu cầu đầu tư, khiến dòng vốn ngoại có thể tiếp tục rút ròng.
– TTCK Việt Nam đang trong giai đoạn đầy thử thách khi triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp tiếp tục suy giảm, dòng tiền nhà đầu tư nội và gần đây là cả khối ngoại liên tục rút ròng. Các chính sách tiền tệ, tháo gỡ pháp lý đang thể hiện nỗ lực hỗ trợ kinh tế của chính phủ và là bệ đỡ tâm lý cho thị trường. Nhưng chính sách cũng có tác động hữu hạn và sẽ cần thời gian thực thi để thẩm thấu vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Trong bối cảnh chung còn nhiều rủi ro, kiên nhẫn chờ đợi, cẩn trọng đánh giá và chọn lọc cơ hội sẽ mang lại lợi thế khi những khó khăn đỉnh điểm bộc lộ và mang tới những cơ hội lớn.